Bất chấp Mỹ áp thuế 25%, một cổ phiếu “ông lớn” ngành thép được khuyến nghị MUA với mức sinh lời gấp 6 lần lãi suất gửi tiết kiệm

Chứng khoán SSI cho rằng triển vọng cho ngành thép năm 2025 vẫn tích cực dựa trên giá thép đã chạm đáy cùng đà phục hồi theo thị trường bất động sản.

Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa ký các tuyên bố để tăng thuế đối với nhập khẩu thép và nhôm lên mức cố định 25% và loại bỏ tất cả các miễn trừ cho tất cả các quốc gia.

Trong báo cáo vừa công bố, Chứng khoán SSI cho rằng đây là một phần mở rộng của thuế Mục 232 được ban hành vào năm 2018 bởi ông Trump, ban đầu đặt mức cố định 25% cho nhập khẩu thép nhưng bao gồm các miễn trừ cho một số quốc gia như Canada, Mexico, Brazil, Hàn Quốc và Anh.

Theo đó, thuế mới có hiệu lực từ ngày 4/3/2025 duy trì thuế Mục 232 và loại bỏ tất cả các miễn trừ.

SSI nhận định đối với Việt Nam, nhập khẩu thép vào Mỹ đã bị đánh thuế 25% kể từ năm 2018 theo Mục 232, vì vậy thép của Việt Nam không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi việc tăng thuế này. Do đó, có rất ít tác động đến ngành thép Việt Nam liên quan đến xuất khẩu sang Mỹ.

Đơn vị này đánh giá hành động thuế mới có thể có phần tích cực đối với ngành thép Việt Nam vì đưa mức thuế nhập khẩu của Việt Nam (trước khi tính đến các loại thuế bảo hộ khác) ngang hàng với các quốc gia khác.

Mặt khác, xuất khẩu thép của Việt Nam sang các quốc gia bị ảnh hưởng như Mexico và Canada cũng tương đối nhỏ (tính đến tháng 12/2024, họ không nằm trong top 10 thị trường xuất khẩu thép của Việt Nam, theo dữ liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam).

Phản ứng của thị trường trong phiên 11/2 cũng có phần bình tĩnh hơn với nhóm cổ phiếu ngành thép. Không còn hiện tượng bán tháo, điều chỉnh mạnh như ngày 10/2. Một số mã như HPG của Hòa Phát hay NKG của Thép Nam Kim đã xanh trở lại.

Tuy nhiên, SSI chỉ ra điểm lo ngại hơn là tác động từ số loại thuế khác như CVD (thuế đối kháng) và AD (thuế chống bán phá giá). Trong đó, thuế chống bán phá giá vẫn đang trong quá trình điều tra.

Gần đây, Mỹ đã phát hành kết quả điều tra sơ bộ và thuế sơ bộ thuế đối kháng đối với thép chống ăn mòn của Việt Nam, với Hoa Sen và Tôn Đông Á nhận được mức thuế tối thiểu (~0,13% và 0%). Kết quả sơ bộ thuế chống bán phá giá dự kiến sẽ được công bố trong những tháng tới.

SSI đánh giá triển vọng cho ngành thép năm 2025 vẫn tích cực dựa trên giá thép đã chạm đáy, nhu cầu nội địa mạnh hơn từ sự phục hồi của ngành Bất động sản và đầu tư công mạnh mẽ. Bên cạnh đó, đơn vị này cũng kỳ vọng có thể sẽ có thuế chống bán phá giá đối với HRC của Trung Quốc và Ấn Độ.

Với doanh nghiệp thép, SSI cho rằng HPG là cổ phiếu hàng đầu cho ngành này, với mức tăng trưởng kỳ vọng 29% so với cùng kỳ cho năm 2025 từ việc hoạt động của khu phức hợp Dung Quất 2 và định giá hợp lý.

Theo đó, SSI duy trì đánh giá MUA đối với HPG với giá mục tiêu 1 năm là 33.500 đồng/cổ phiếu, kỳ vọng tăng 32% so với giá hiện tại. Trên thị trường, cổ phiếu HPG hiện đang giao dịch quanh mức 26.000 đồng/cp trong phiên 12/2/2025.

Doanh nghiệp thép Việt cần làm gì?

Trong bối cảnh Mỹ áp thuế 25% đối với nhôm và thép, các chuyên gia cho rằng các doanh nghiệp sản xuất cần gia tăng cạnh tranh trên thị trường nội địa để duy trì tăng trưởng doanh thu. Bởi, xu hướng nội địa hóa đã diễn ra từ nửa đầu năm 2024, sau khi các thông tin về việc khởi xướng các cuộc điều tra chống bán phá giá thép lan rộng từ các nước.

So với vùng đỉnh quý 1/2024, sản lượng xuất khẩu tôn mạ cả năm của Hoa Sen, Nam Kim, Tôn Đông Á đã giảm lần lượt 19%, 31%, 28%.

Ngoài ra, sản lượng xuất khẩu thép xây dựng, HRC của Hòa Phát cũng giảm 45%. Xu hướng này được hỗ trợ nhờ nhu cầu tiêu thụ trong nước quay trở lại, với động lực chính tới từ sự hồi phục của thị trường Bất động sản dân dụng, các dự án đầu tư công tiếp tục được triển khai.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xuất khẩu cũng sẽ tập trung mở rộng sang các thị trường mới (khu vực chưa áp dụng hàng rào thuế quan với thép Việt Nam) để duy trì sản lượng tiêu thụ.

Theo Baoquankhu7

Ngành thép toàn cầu đang nóng lên trước đòn thuế của Mỹ

Tổng thống Donald Trump đang tung ra các mức thuế nhập khẩu rộng khắp mà ông cho rằng sẽ đảo ngược sự suy tàn của các thị trấn thép tại Mỹ. Nhưng Mỹ không phải là quốc gia duy nhất đang vội vã bảo vệ các trung tâm công nghiệp của mình.

Thị trường thép toàn cầu đang lao nhanh vào một cuộc chiến trên nhiều mặt trận khi các chính trị gia thực thi các biện pháp nhằm ngăn chặn thép nhập khẩu  – một nguyên liệu cơ bản trong công nghiệp. Hàn Quốc và Việt Nam đang dựng hàng rào bảo vệ, Liên minh châu Âu đang siết chặt các biện pháp bảo hộ, trong khi các nhà máy tại Mỹ Latinh cũng đang tìm kiếm sự bảo vệ mạnh mẽ hơn, theo Bloomberg.

Thông thường, mục tiêu chính là Trung Quốc – quốc gia sản xuất thép hàng đầu thế giới, nơi mà lượng xuất khẩu  đã tăng gần chạm mức kỷ lục vào năm ngoái. Nguy cơ đối với các nhà sản xuất thép toàn cầu là việc thuế của Trump có thể làm trầm trọng thêm tình trạng dư cung, tạo thêm áp lực lên các nhà sản xuất và chính phủ trong bối cảnh nhu cầu đối với hợp kim này đang suy yếu.

“Nếu có rào cản vào thị trường Mỹ, ít nhất một phần trong lượng thép đó sẽ bị chuyển hướng sang nơi khác, ít nhất là trong ngắn hạn,” ông Tomas Gutierrez, nhà phân tích tại công ty tư vấn Kallanish Commodities Ltd., người đã theo dõi ngành công nghiệp này hơn 15 năm, cho biết. “Nhiều nhà máy sẽ phải tìm kiếm thị trường khác.”

Thép là nền tảng của nền kinh tế thế giới. Hầu hết các quốc gia lớn đều mong muốn có ngành công nghiệp thép, và mối liên hệ chính trị sâu sắc khiến ngành này thường xuyên bị ảnh hưởng bởi làn sóng bảo hộ thương mại từ thế kỷ 19 đến nay. Đối với ông Trump và nhiều người khác, thép vẫn là biểu tượng của sức mạnh sản xuất, ngay cả trong thời hiện đại.

Thuế nhập khẩu 25% đối với tất cả thép – cũng như nhôm – của ông Trump sẽ bắt đầu có hiệu lực từ thứ Tư (12/3). Mặc dù chưa rõ tất cả các chi tiết, các biện pháp mới này sẽ củng cố các biện pháp thương mại đã được ban hành trong nhiệm kỳ đầu của ông, đồng thời loại bỏ các ngoại lệ dành cho nhiều quốc gia và mở rộng phạm vi sang các danh mục sản phẩm mới.

Các rào cản thương mại mới lần này là rộng lớn nhất kể từ giai đoạn 2015–2016, và có nguy cơ làm tăng chi phí của mọi thứ – từ sản xuất ô tô đến xây dựng cơ sở hạ tầng – gây ra sự xáo trộn và mất việc làm trong các ngành công nghiệp phụ thuộc vào thép vốn đang gặp khó khăn.

Nếu như các biện pháp trước đây nhắm vào mục tiêu cụ thể, thì các biện pháp lần này áp dụng đồng loạt, ảnh hưởng đến khối lượng lớn hơn và các tuyến thương mại trọng yếu.

Canada, Mexico và Brazil là ba quốc gia xuất khẩu nhiều thép nhất sang Mỹ trong năm 2024 (Đơn vị: Triệu tấn, Nguồn: Cơ quan quản lý thương mại quốc tế Mỹ, Bloomberg)

Kết quả là, các nhà sản xuất thép lo ngại rằng lượng cung dư thừa từ Trung Quốc và các nơi khác sẽ bị chuyển hướng nhiều hơn vào các thị trường vốn đã đau đầu vì dư cung.

Đó cũng chính là điều khiến các nhà sản xuất thép châu Âu lo ngại. Dưới nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, cứ ba tấn thép không vào được Mỹ thì hai tấn lại đổ về châu Âu, theo Eurofer – tổ chức đại diện cho các nhà sản xuất thép EU.

“18 triệu tấn thép mà hiện tại Mỹ đang nhập khẩu theo diện được miễn trừ sẽ phải tìm nơi khác để tiêu thụ. Họ đang tìm kiếm một thị trường mở — đó chính là Liên minh châu Âu,” Tổng Giám đốc Axel Eggert nói với các phóng viên tại Brussels vào tuần trước.

Thời điểm không thuận lợi

Một trong những lập luận chính của ông Trump để áp thuế là Trung Quốc. Ông cho rằng thép của Bắc Kinh đang tràn ngập các quốc gia khác, và điều đó lại thúc đẩy họ xuất nhiều hơn sang Mỹ. Brazil, Mexico và Argentina đã bị chỉ đích danh. Tổng thống cũng chỉ trích các quốc gia khác vì không đủ quyết liệt trong việc giải quyết ngành thép dư thừa của Trung Quốc.

Ngành công nghiệp này quả thực lấn át phần lớn thế giới. Trung Quốc đã mở rộng sản lượng mạnh mẽ để phục vụ xây dựng thành phố và thúc đẩy công nghiệp. Tuy nhiên, khi nhu cầu giảm trong 5 năm qua – phần nào do đại dịch và khủng hoảng bất động sản trong nước – trong khi sản lượng hằng năm vẫn bám trụ trên mức 1 tỷ tấn, đẩy xuất khẩu tăng cao.

Làn sóng xuất khẩu này đã gây ra phản ứng mạnh từ các đối tác thương mại – và họ giờ đây lo ngại sẽ phải tăng cường biện pháp bảo hộ hơn nữa.

Việt Nam và Hàn Quốc đã áp thuế đối với thép cuộn cán nóng, một sản phẩm phổ biến trong dòng chảy thương mại toàn cầu. Đài Loan cũng đã mở một cuộc điều tra chống bán phá giá. Và Ủy ban Thương mại Ấn Độ đã đề xuất áp thuế rộng rãi đối với thép nhập khẩu.

“Các nhà sản xuất thép tại Thái Lan sẽ đối mặt với thách thức khốc liệt hơn. Chúng tôi đã phải chịu áp lực rất lớn từ lượng thép Trung Quốc tràn vào dù chính phủ đã có các biện pháp chống bán phá giá nhằm bảo vệ nhà sản xuất trong nước,” ông Petrung Maesincee – Chủ tịch Hiệp hội Ống kim loại và Thép tạo hình nguội Thái Lan – phát biểu.

“Một mối lo nữa là việc các sản phẩm thép từ các quốc gia khác (không phải Trung Quốc) có thể bị chuyển hướng vào Thái Lan do thuế tại nơi khác cao”, ông nói.

Trong khi đó, EU đang xem xét lại các biện pháp kiểm soát nhập khẩu sau khi ghi nhận dòng thép tăng từ các nơi khác tăng trong bối cảnh nhu cầu châu Âu giảm sút.

Theo Shanghai Metals Market – một tổ chức nghiên cứu của Trung Quốc – tổng khối lượng thép Trung Quốc bị vướng vào các vụ kiện chống bán phá giá tính đến cuối tháng 2 đã lên đến hơn 30 triệu tấn – hơn một phần tư tổng lượng xuất khẩu năm ngoái.

Trung Quốc đã từng vượt qua các rào cản xuất khẩu trước đây bằng cách chuyển sang sản phẩm thép khác hoặc tìm thị trường mới, ông Gutierrez của Kallanish nói. Nếu lần này không làm được, đó sẽ là cú đánh mạnh vào ngành trong nước.

Hơn 30 vụ kiện chống bán phá giá mới được ghi nhận trong năm 2024, theo Viện Kế hoạch và Nghiên cứu Công nghiệp Luyện kim Trung Quốc. Đồng thời, cơ quan này cảnh báo điều kiện xuất khẩu sẽ xấu đi.

Hãng tư vấn hàng hóa CRU Group dự báo xuất khẩu thép Trung Quốc có thể giảm tới 17% trong năm nay, một phần do làn sóng phản đối toàn cầu.

Tất cả những điều này đang làm gia tăng áp lực lên ngành thép Trung Quốc trong việc kiềm chế sản lượng dư thừa. Tại kỳ họp lập pháp thường niên của chính phủ ở Bắc Kinh tuần trước, các nhà hoạch định chính sách đã cam kết cắt giảm công suất dư thừa trong ngành thép và các ngành công nghiệp khác.

Lần này không có nhiều gói kích thích từ nhà nước như trước, nhưng nền kinh tế Trung Quốc đã trưởng thành và bớt phụ thuộc vào thép hơn. Trung Quốc có thể đang tiến gần tới cuộc “thanh lọc ngành thép” mà ông Trump và những người ủng hộ ông cho là đã đến lúc phải diễn ra.

Theo Doanh Nghiệp & Kinh Doanh

Ngành thép Việt Nam kỳ vọng gì trong năm 2025?

Ngành thép Việt Nam kỳ vọng gì trong năm 2025?

Dự báo nhu cầu thép trên thị trường nội địa sẽ tăng trưởng tích cực trong năm 2025. Nhưng tốc độ tăng trưởng sản lượng xuất khẩu dự kiến sẽ giảm xuống và các doanh nghiệp Việt Nam đối mặt với biến số từ ngành thép Trung Quốc.

Thị trường nội địa tăng tốc

Theo đánh giá mới đây của SSI Research, nhu cầu thép nội địa trong năm 2025 dự kiến sẽ tăng trưởng 10% so với năm 2024 trong bối cảnh thị trường bất động đã có sự phục hồi đáng kể với số lượng căn mở bán mới trong năm 2024 đã tăng gấp đôi so với năm 2023.

Ngoài ra, việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công trong năm cuối của nhiệm kỳ 2021 – 2025 cũng sẽ giúp thúc đẩy nhu cầu về thép. Các dự án hạ tầng lớn trong dài hạn, gồm các tuyến cao tốc Bắc – Nam, Đông – Tây; các sân bay và cảng biển trọng điểm như Cảng Cần Giờ tại TP.Hồ Chí Minh, Cảng Nam Đồ Sơn tại Hải Phòng; dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam…

Đối với hoạt động xuất khẩu, Hiệp hội Thép Thế giới dự báo nhu cầu thép toàn cầu trong năm 2025 sẽ phục hồi 1,2% sau khi giảm 0,9% trong năm 2024.

Nhu cầu thép nội địa trong năm 2025 dự kiến sẽ tăng trưởng 10% so với năm 2024

Nhu cầu từ các thị trường xuất khẩu chính của ngành thép Việt Nam, như châu Âu, Mỹ và ASEAN, dự kiến sẽ tăng từ 2 – 3,5% so với năm 2024 ỳ do kỳ vọng về việc nới lỏng chính sách tiền tệ toàn cầu.

Tuy nhiên, SSI Research lưu ý tốc độ tăng trưởng sản lượng xuất khẩu của ngành thép Việt Nam trong năm nay có thể chậm lại do sự gia tăng các rào cản thuế trên toàn cầu.

Điển hình, Bộ Thương mại Mỹ vừa qua đã khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với thép chống ăn mòn (CORE) nhập khẩu từ Việt Nam, cùng với 9 quốc gia khác. Mỹ chiếm 14,4% sản lượng thép xuất khẩu của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2024, đứng sau châu Âu (22,4%) và ASEAN (25,2%).

Biến số từ thì trường thép Trung Quốc

Cũng theo SSI Research, một trong những tín hiệu mà ngành thép Việt Nam cần theo dõi sát là sản lượng xuất khẩu thép của Trung Quốc. Xuất khẩu thép của nước này trong 11 tháng đầu năm 2024 tăng trưởng 22,6%, đạt 101,15 triệu tấn, sau khi tăng 36% trong năm 2023.

Lượng lớn thép giá rẻ của Trung Quốc tràn ra thị trường đã và đang gây áp lực giảm giá thép và kích hoạt làn sóng các biện pháp bảo hộ toàn cầu. Theo Hiệp hội Thép Thế giới, nhu cầu thép của Trung Quốc dự kiến sẽ giảm thêm 1% trong năm 2025, sau khi giảm 3% trong năm 2024.

Một số điểm sáng là giá nhà tại Trung Quốc đã ổn định, thậm chí tăng trở lại tại một số khu vực. Ngoài ra, sản lượng thép thô trong 11 tháng năm 2024 đã giảm 2,7% so với cùng kỳ xuống còn 929 triệu tấn và dự kiến sẽ giảm thêm 1,3% trong năm 2025. Điều này có thể làm giảm 9% sản lượng xuất khẩu của Trung Quốc so với năm 2024, theo hãng nghiên cứu thị trường Mysteel.

Sản lượng xuất khẩu của Trung Quốc giảm có thể làm giảm áp lực cạnh tranh đối với thép Việt Nam trên toàn cầu, hỗ trợ giá thép và giúp giảm giá nguyên liệu đầu vào.

Sản lượng thép thô Trung Quốc đã có tín hiệu tạo đỉnh trong năm 2024.

Tuy nhiên, do nhu cầu yếu, SSI Research cho rằng giá thép khó có thể tăng nhiều trong năm 2025, trừ khi Chính phủ Trung Quốc thực hiện nhiều biện pháp kích thích mạnh mẽ hơn để mang lại tác động thực tế đối với thị trường bất động sản trong nước.

Một biến số khác đối với ngành thép Việt Nam là các biện pháp phòng vệ thương mại đối với thép Trung Quốc nhập khẩu. Sản lượng thép nhập khẩu vào Việt Nam trong 11 tháng của năm  2024 tăng mạnh 33% so với cùng kỳ lên 16,17 triệu tấn, trong đó sản lượng nhập khẩu từ Trung Quốc tăng vọt 48,4% và chiếm 68% tổng sản lượng nhập khẩu.

Bộ Công Thương đã khởi động cuộc điều tra áp dụng thuế chống bán phá giá đối với thép mạ kẽm nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc vào tháng 6/2024, và HRC nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ vào tháng 7/2024.

Khả năng kết quả cuối cùng của cuộc điều tra này sẽ được công bố vào giữa năm 2025, nhưng có thể có những biện pháp tạm thời được đưa ra trước đó, SSI Research nhận định.

Các doanh nghiệp thép sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực

Dựa trên tình hình thị trường hiện tại, SSI Research dự báo các công ty thép Việt Nam sẽ tiếp tục ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận tích cực trong năm 2025, đặc biệt là trong trường hợp Bộ Công Thương áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại với một số sản phẩm thép nhập khẩu.

SSI Research nhận định Tập đoàn Hoà Phát (HPG) có khả năng được hưởng lợi nhiều nhất từ sự phục hồi của thị trường bất động sản, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công và các chính sách phòng vệ thương mại.

Ngoài ra, hai nhóm sản phẩm chủ lực của tập đoàn này là thép xây dựng HRC ít phụ thuộc vào xuất khẩu khi tỷ trọng xuất khẩu lần lượt là 20% và 35% tổng sản lượng trong 11 tháng đầu năm 2024, so với mức 56% đối với thép mạ kẽm.

Trong khi đó, lợi nhuận của Tập đoàn Hoa Sen (HSG) dự kiến sẽ tăng 37% lên 700 tỷ đồng trong năm 2025, chủ yếu nhờ biên lợi nhuận gộp ổn định sau khi lỗ lớn trong quý 4 niên độ 2023 – 2024 (tháng 7 – tháng 9/2024).

Động lực tăng trưởng của Tập đoàn Hoa Sen dự kiến đến từ từ sự phục hồi của giá thép và sản lượng tiêu thụ nội địa cao hơn (mang lại biên lợi nhuận cao hơn so với xuất khẩu).

Ngược lại, lợi nhuận của Thép Nam Kim (NKG) trong năm 2025 dự kiến sẽ đi ngang do phụ thuộc nhiều hơn vào kênh xuất khẩu và mức nền lợi nhuận cao trong năm 2024.


Theo: Tạp chí công thương

Hiệp hội Thép Việt Nam tăng cường kết nối các doanh nghiệp thép

Từ ngày 25 đến 26/02/2025, trong khuôn khổ chương trình làm việc tại khu vực phía Nam, Lãnh đạo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) đã có buổi làm việc với Tập đoàn Đèo Cả (Deoca Group) – doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông tại Việt Nam, cùng một số đại diện doanh nghiệp thép khu vực Biên Hoà, Đồng Nai.

Tăng cường hợp tác giữa ngành thép và ngành xây dựng hạ tầng

Chuyến công tác và khảo sát thực tế của Đoàn tại một số nhà máy thép uy tín, nằm trong hệ thống Tổng Công ty Thép Việt Nam -CTCP (VnSteel) khu công nghiệp Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai. Đây là cơ hội để VSA, các doanh nghiệp thép và Deoca Group trao đổi về tình hình thị trường thép, nhu cầu sử dụng thép trong các dự án hạ tầng giao thông, cũng như các giải pháp để tăng cường hợp tác giữa các bên.

Về phía ngành xây dựng hạ tầng, Deoca Group là một trong những khách hàng tiềm năng của ngành thép Việt Nam, với nhiều dự án trọng điểm quốc gia đang triển khai. Theo thông điệp của Chủ tịch HĐQT Tập đoàn, ông Hồ Minh Hoàng “…Năm 2025, Tập đoàn Đèo Cả cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam. Đất nước hướng tới những mục tiêu lớn lao, trong đó bao gồm nhiệm vụ hoàn thành 3.000 km đường cao tốc và chuẩn bị khởi động 1.726 km đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam. Đây không chỉ là trách nhiệm của Chính phủ mà còn là sứ mệnh chung của chúng ta – những người làm hạ tầng giao thông...”.

Theo đó, việc tăng cường hợp tác với Deoca Group sẽ giúp các doanh nghiệp thép có cơ hội cung cấp sản phẩm cho các dự án lớn, đồng thời góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành xây dựng hạ tầng. Theo chương trình, đoàn công tác VSA đã đến tham quan và làm việc tại các Công ty Cổ Phần Mạ Kẽm Công Nghiệp VINGAL-VNSTEEL; Công Ty TNHH Gia Công Và Dịch Vụ Thép Sài Gòn, Công ty cổ phần Cơ khí Luyện kim – SADAKIM; Công ty Cổ phần Thép VICASA – VNSTEEL và Công ty Cổ phần  Thép Thủ Đức-Vnsteel.

Kết nối các doanh nghiệp thép Khu Công nghiệp Biên Hoà – Đồng Nai

Công ty Cổ Phần Mạ Kẽm Công Nghiệp VINGAL-VNSTEEL là một liên doanh giữa Tổng Công Ty Thép Việt Nam, Tập Đoàn Delta (Úc) và Công ty TNHH Thép Việt được thành lập năm 1995 đã tổ chức buổi trao đổi với Đoàn công tác VSA tại nhà máy.

Ông Nguyễn Huy Thọ – Tổng Giám đốc Công ty Cổ Phần Mạ Kẽm Công Nghiệp VINGAL-VNSTEEL (thứ 3 từ ngoài vào hàng bên trái) trao đổi với đại diện Tập đoàn Đèo Cả

Công ty Vingal với lợi thế kết hợp xưởng cán thép ống, gia công cơ khí và mạ kẽm nhúng nóng tại chổ cùng bể mạ có kích thước lớn nhất Việt Nam sẽ góp phần làm giảm giá thành tăng tính cạnh tranh của sản phẩm. Kết hợp giữa máy móc thiết bị hiện đại, công nghệ tiên tiến của Châu Âu và quá trình sản xuất tuân thủ nghiêm ngặt theo hệ thống kiểm soát chất lượng ISO 9001:2008 do tổ chức Intertek (Mỹ) chứng nhận, các sản phẩm và dịch vụ của Vingal luôn đáp ứng được những đòi hỏi khắt khe về chất lượng của các công trình trọng điểm quốc gia và xuất khẩu đến các nước tiên tiến trên thế giới như Nhật Bản, Mỹ, Canada, Hà Lan, Úc, và các quốc gia khác. (Thông tin chi tiết: https://vingal.com/)

Doanh nghiệp thép thứ hai trong chuyến công tác là Công Ty TNHH Gia Công Và Dịch Vụ Thép Sài Gòn (tên viết tắt: SGC) – công ty hàng đầu cung cấp các chủng loại thép khác nhau có chất lượng cao như thép cán nguội, cán nóng, mạ kẽm, mạ màu, thép silic và thép không gỉ, v.v…từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, v.v. Với các thiết bị mới và hiện đại của Nhật Bản, SGC có thể cung cấp sản phẩm và dịch vụ gia công cắt thép cuộn thành tấm và xẻ dọc theo kích thước mà quý khách hàng yêu cầu với độ chuẩn xác cao và giao hàng đúng hạn.

Ông Lê Ngọc Thăng – Tổng Giám đốc Công ty SGC (thứ tư từ trái sang) và Đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm trước khi vào tham quan nhà máy

SGC là trung tâm cắt cuộn (CoilCenter) hàng đầu ở Việt Nam với sự phát triển bền vững: https://saigonsteel-sgc.com.vn/. Một số hình ảnh khảo sát các sản phẩm tại nhà máy SGC.

Cán bộ kỹ thuật Công ty Thép SGC giới thiệu về quy trình vận hành của nhà máy

Sản phẩm của công ty SGC đã được tổ chức Quốc tế Bureau Veritas cấp giấy chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015 và hệ thống quản lý môi trường ISO 14001:2015 cùng với chính sách chất lượng “Thỏa mãn nhu cầu của khách hàng với chất lượng cao, giá cả hợp lý, giao hàng đúng hạn, không ngừng cải tiến và hoàn thiện hệ thống chất lượng”.

Ông Hồ Chung- Tập đoàn Đèo Cả và Tổng Giám đốc Lê Ngọc Thăng- SGC trao đổi về các sản phẩm thép của Công ty SGC

Công ty cổ phần Cơ khí Luyện kim – SADAKIM trước đây là nhà máy Cơ khí Luyện kim thuộc Công ty Thép Miền Nam, Tổng công ty Thép Việt Nam, là đơn vị chuyên ngành sản xuất sản phẩm đúc bằng gang thép, kim loại màu theo đúng tiêu chuẩn Việt Nam, tiêu chuẩn quốc tế, các sản phẩm sau gia công cơ khí, điện xỉ, rèn, nhiệt luyện và các sản phẩm kết cấu thép (thiết bị, cụm thiết bị) cung cấp cho ngành Cơ khí chế tạo, phụ tùng thay thế của thị trường trong nước, thay thế hàng nhập khẩu và xuất khẩu.

Ông Võ Thanh Tiến – Tổng Giám đốc Thép Sadakim giới thiệu về các sản phẩm thép chế tạo của Công ty.

Để góp phần cùng sự phát triển của ngành Cơ khí chế tạo Việt Nam và phục vụ khách hàng trong và ngoài nước ngày càng tốt hơn, công ty cổ phần Cơ khí Luyện kim luôn phấn đấu xây dựng đội ngũ có chuyên môn cao, áp dụng công nghệ tiên tiến, không ngừng nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm. Chi tiết các sản phẩm của nhà máy, vui lòng truy cập website: https://sadakim.vn/gioi-thieu-69.html

Công ty Cổ phần Thép VICASA – VNSTEEL: Nền tảng vững chắc từ lịch sử, không ngừng vươn tới tương lai. Được thành lập từ ngày 17/5/1967 với tiền thân là Xí nghiệp – Việt Nam Cán sắt Công ty (VICASA), Công ty Cổ phần Thép VICASA – VNSTEEL đã trải qua hơn nửa thế kỷ hình thành và phát triển. Với phương châm “không ngừng học hỏi, nghiên cứu cải tiến quy trình, công nghệ sản xuất”, VICASA – VNSTEEL luôn nỗ lực tạo ra những sản phẩm thép chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu đa dạng của mọi công trình. Thông tin truy cập website:https://vicasasteel.com/

Ông Ngô Tiến Thọ- Tổng Giám đốc Thép Vicasa- Vnsteel (thứ tư từ trái sang), Trưởng ban Môi trường của VSA, Hiệp hội Thép Đông Nam Á cùng các đại diện của VnSteel và các đối tác trong chương trình làm việc.
Ông Thọ (thứ 2 từ bên phải vào) và các cán bộ Thép Vicasa-Vnsteel giới thiệu với các thành viên đoàn vế nhà máy và các sản phẩm thép của Công ty

Công ty Cổ phần  Thép Thủ Đức-Vnsteel được hình thành từ những năm 1960 với tên ban đầu là Việt Nam Kim Khí Công Ty – VIKIMCO. Với bề dày lịch sử lâu đời, thương hiệu thép Vikimco đã đi sâu vào tâm trí của khách hàng tiêu dùng thép phía Nam, góp phần không nhỏ vào các công trình xây dựng, và hạ tầng giao thông trên khắp đất nước.

Dây chuyền luyện phôi của Nhà máy thép Thủ Đức- Vnsteel ngày 25/02/2025
Công trình giao thông của Tập đoàn Đèo Cả sử dụng sản phẩm thép chất lượng của Việt nam

Chương trình làm việc tại các nhà máy lần này cũng là cơ hội để VSA nắm bắt tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, lắng nghe những khó khăn và đề xuất của doanh nghiệp, từ đó có những giải pháp hỗ trợ kịp thời cộng đồng doanh nghiệp ngành thép.

Chuyến công tác của Ban Lãnh đạo VSA kết nối một sốdoanh nghiệp thép khu vực phía Nam với các đối tác xây dựng đã diễn ra thành công tốt đẹp. Các buổi làm việc đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần tăng cường sự kết nối giữa VSA với các doanh nghiệp thép và các đối tác trong ngành xây dựng hạ tầng./.

Theo vasa.com.vn

Bộ Công Thương áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời đối với một số sản phẩm thép cán nóng

Bộ Công Thương áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời đối với một số sản phẩm thép cán nóng có xuất xứ từ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.


Ngày 21 tháng 02 năm 2025, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 460 ⁄QĐ-BCT về việc áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời đối với một số sản phẩm thép cán nóng có xuất xứ từ Cộng hòa Ấn Độ (Ấn Độ) và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc). Theo đó, mức thuế chống bán phá giá tạm thời được áp dụng với hàng hóa bị điều tra từ Trung Quốc là từ 19,38% đến 27,83%.

Trong quá trình điều tra vụ việc, thực hiện theo quy định của Luật Quản lý ngoại thương, Bộ Công Thương đã phối hợp với các đơn vị liên quan xem xét và đánh giá kỹ lưỡng tác động của hành vi bán phá giá của hàng hóa nhập khẩu đối với hoạt động của ngành sản xuất trong nước, mức độ bán phá giá của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Ấn Độ và Trung Quốc.

Kết quả điều tra cho thấy, mặc dù có tồn tại hành vi bán phá giá nhưng do tỷ lệ nhập khẩu hàng hóa bị điều tra từ Ấn Độ ở mức không đáng kể (dưới 3%), vì vậy, theo quy định tại khoản 3 Điều 78 Luật Quản lý ngoại thương, hàng hóa bị điều tra từ Ấn Độ được loại khỏi phạm vi áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời.

Theo số liệu hải quan, lượng nhập khẩu thép cán nóng trong năm 2024 đã đạt 12,6 triệu tấn tăng hơn 33% so với năm 2023. Đặc biệt, sau khi Bộ Công Thương ra quyết định khởi xướng điều tra vụ việc này từ tháng 7 năm 2024, lượng nhập khẩu thép cán nóng từ Trung Quốc vẫn tiếp tục gia tăng một cách đáng kể. Do vậy, Bộ Công Thương đã xem xét áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời nhằm ngăn chặn lượng nhập khẩu thép cán nóng  gia tăng nhanh có thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước trong thời gian tới.

Theo quy định của Luật Quản lý ngoại thương, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục làm việc với các bên liên quan để thu thập, xác minh thông tin, tài liệu do các bên liên quan cung cấp và đưa ra kết luận cuối cùng trên cơ sở đánh giá tác động toàn diện của vụ việc.

Quyết định số 460/QĐ-BCT vui lòng tải tại đây

Các dự án

  • Các dự án tiêu biểu đã được Công ty Phương Kha thực hiện trong những năm vừa qua. 

  • Với tiêu chí Uy tín và Chất lượng, Phương Kha cam kết mang lại cho khách hàng sự tin tưởng và chất lượng tốt nhất.

Vui lòng bật JavaScript trong trình duyệt của bạn để hoàn thành Form này.
Bạn hãy gửi lời nhắn cho chúng tôi.