Ngành thép Việt Nam kỳ vọng gì trong năm 2025?

Ngành thép Việt Nam kỳ vọng gì trong năm 2025?

Dự báo nhu cầu thép trên thị trường nội địa sẽ tăng trưởng tích cực trong năm 2025. Nhưng tốc độ tăng trưởng sản lượng xuất khẩu dự kiến sẽ giảm xuống và các doanh nghiệp Việt Nam đối mặt với biến số từ ngành thép Trung Quốc.

Thị trường nội địa tăng tốc

Theo đánh giá mới đây của SSI Research, nhu cầu thép nội địa trong năm 2025 dự kiến sẽ tăng trưởng 10% so với năm 2024 trong bối cảnh thị trường bất động đã có sự phục hồi đáng kể với số lượng căn mở bán mới trong năm 2024 đã tăng gấp đôi so với năm 2023.

Ngoài ra, việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công trong năm cuối của nhiệm kỳ 2021 – 2025 cũng sẽ giúp thúc đẩy nhu cầu về thép. Các dự án hạ tầng lớn trong dài hạn, gồm các tuyến cao tốc Bắc – Nam, Đông – Tây; các sân bay và cảng biển trọng điểm như Cảng Cần Giờ tại TP.Hồ Chí Minh, Cảng Nam Đồ Sơn tại Hải Phòng; dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam…

Đối với hoạt động xuất khẩu, Hiệp hội Thép Thế giới dự báo nhu cầu thép toàn cầu trong năm 2025 sẽ phục hồi 1,2% sau khi giảm 0,9% trong năm 2024.

Nhu cầu thép nội địa trong năm 2025 dự kiến sẽ tăng trưởng 10% so với năm 2024

Nhu cầu từ các thị trường xuất khẩu chính của ngành thép Việt Nam, như châu Âu, Mỹ và ASEAN, dự kiến sẽ tăng từ 2 – 3,5% so với năm 2024 ỳ do kỳ vọng về việc nới lỏng chính sách tiền tệ toàn cầu.

Tuy nhiên, SSI Research lưu ý tốc độ tăng trưởng sản lượng xuất khẩu của ngành thép Việt Nam trong năm nay có thể chậm lại do sự gia tăng các rào cản thuế trên toàn cầu.

Điển hình, Bộ Thương mại Mỹ vừa qua đã khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với thép chống ăn mòn (CORE) nhập khẩu từ Việt Nam, cùng với 9 quốc gia khác. Mỹ chiếm 14,4% sản lượng thép xuất khẩu của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2024, đứng sau châu Âu (22,4%) và ASEAN (25,2%).

Biến số từ thì trường thép Trung Quốc

Cũng theo SSI Research, một trong những tín hiệu mà ngành thép Việt Nam cần theo dõi sát là sản lượng xuất khẩu thép của Trung Quốc. Xuất khẩu thép của nước này trong 11 tháng đầu năm 2024 tăng trưởng 22,6%, đạt 101,15 triệu tấn, sau khi tăng 36% trong năm 2023.

Lượng lớn thép giá rẻ của Trung Quốc tràn ra thị trường đã và đang gây áp lực giảm giá thép và kích hoạt làn sóng các biện pháp bảo hộ toàn cầu. Theo Hiệp hội Thép Thế giới, nhu cầu thép của Trung Quốc dự kiến sẽ giảm thêm 1% trong năm 2025, sau khi giảm 3% trong năm 2024.

Một số điểm sáng là giá nhà tại Trung Quốc đã ổn định, thậm chí tăng trở lại tại một số khu vực. Ngoài ra, sản lượng thép thô trong 11 tháng năm 2024 đã giảm 2,7% so với cùng kỳ xuống còn 929 triệu tấn và dự kiến sẽ giảm thêm 1,3% trong năm 2025. Điều này có thể làm giảm 9% sản lượng xuất khẩu của Trung Quốc so với năm 2024, theo hãng nghiên cứu thị trường Mysteel.

Sản lượng xuất khẩu của Trung Quốc giảm có thể làm giảm áp lực cạnh tranh đối với thép Việt Nam trên toàn cầu, hỗ trợ giá thép và giúp giảm giá nguyên liệu đầu vào.

Sản lượng thép thô Trung Quốc đã có tín hiệu tạo đỉnh trong năm 2024.

Tuy nhiên, do nhu cầu yếu, SSI Research cho rằng giá thép khó có thể tăng nhiều trong năm 2025, trừ khi Chính phủ Trung Quốc thực hiện nhiều biện pháp kích thích mạnh mẽ hơn để mang lại tác động thực tế đối với thị trường bất động sản trong nước.

Một biến số khác đối với ngành thép Việt Nam là các biện pháp phòng vệ thương mại đối với thép Trung Quốc nhập khẩu. Sản lượng thép nhập khẩu vào Việt Nam trong 11 tháng của năm  2024 tăng mạnh 33% so với cùng kỳ lên 16,17 triệu tấn, trong đó sản lượng nhập khẩu từ Trung Quốc tăng vọt 48,4% và chiếm 68% tổng sản lượng nhập khẩu.

Bộ Công Thương đã khởi động cuộc điều tra áp dụng thuế chống bán phá giá đối với thép mạ kẽm nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc vào tháng 6/2024, và HRC nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ vào tháng 7/2024.

Khả năng kết quả cuối cùng của cuộc điều tra này sẽ được công bố vào giữa năm 2025, nhưng có thể có những biện pháp tạm thời được đưa ra trước đó, SSI Research nhận định.

Các doanh nghiệp thép sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực

Dựa trên tình hình thị trường hiện tại, SSI Research dự báo các công ty thép Việt Nam sẽ tiếp tục ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận tích cực trong năm 2025, đặc biệt là trong trường hợp Bộ Công Thương áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại với một số sản phẩm thép nhập khẩu.

SSI Research nhận định Tập đoàn Hoà Phát (HPG) có khả năng được hưởng lợi nhiều nhất từ sự phục hồi của thị trường bất động sản, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công và các chính sách phòng vệ thương mại.

Ngoài ra, hai nhóm sản phẩm chủ lực của tập đoàn này là thép xây dựng HRC ít phụ thuộc vào xuất khẩu khi tỷ trọng xuất khẩu lần lượt là 20% và 35% tổng sản lượng trong 11 tháng đầu năm 2024, so với mức 56% đối với thép mạ kẽm.

Trong khi đó, lợi nhuận của Tập đoàn Hoa Sen (HSG) dự kiến sẽ tăng 37% lên 700 tỷ đồng trong năm 2025, chủ yếu nhờ biên lợi nhuận gộp ổn định sau khi lỗ lớn trong quý 4 niên độ 2023 – 2024 (tháng 7 – tháng 9/2024).

Động lực tăng trưởng của Tập đoàn Hoa Sen dự kiến đến từ từ sự phục hồi của giá thép và sản lượng tiêu thụ nội địa cao hơn (mang lại biên lợi nhuận cao hơn so với xuất khẩu).

Ngược lại, lợi nhuận của Thép Nam Kim (NKG) trong năm 2025 dự kiến sẽ đi ngang do phụ thuộc nhiều hơn vào kênh xuất khẩu và mức nền lợi nhuận cao trong năm 2024.


Theo: Tạp chí công thương

Hiệp hội Thép Việt Nam tăng cường kết nối các doanh nghiệp thép

Từ ngày 25 đến 26/02/2025, trong khuôn khổ chương trình làm việc tại khu vực phía Nam, Lãnh đạo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) đã có buổi làm việc với Tập đoàn Đèo Cả (Deoca Group) – doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông tại Việt Nam, cùng một số đại diện doanh nghiệp thép khu vực Biên Hoà, Đồng Nai.

Tăng cường hợp tác giữa ngành thép và ngành xây dựng hạ tầng

Chuyến công tác và khảo sát thực tế của Đoàn tại một số nhà máy thép uy tín, nằm trong hệ thống Tổng Công ty Thép Việt Nam -CTCP (VnSteel) khu công nghiệp Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai. Đây là cơ hội để VSA, các doanh nghiệp thép và Deoca Group trao đổi về tình hình thị trường thép, nhu cầu sử dụng thép trong các dự án hạ tầng giao thông, cũng như các giải pháp để tăng cường hợp tác giữa các bên.

Về phía ngành xây dựng hạ tầng, Deoca Group là một trong những khách hàng tiềm năng của ngành thép Việt Nam, với nhiều dự án trọng điểm quốc gia đang triển khai. Theo thông điệp của Chủ tịch HĐQT Tập đoàn, ông Hồ Minh Hoàng “…Năm 2025, Tập đoàn Đèo Cả cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam. Đất nước hướng tới những mục tiêu lớn lao, trong đó bao gồm nhiệm vụ hoàn thành 3.000 km đường cao tốc và chuẩn bị khởi động 1.726 km đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam. Đây không chỉ là trách nhiệm của Chính phủ mà còn là sứ mệnh chung của chúng ta – những người làm hạ tầng giao thông...”.

Theo đó, việc tăng cường hợp tác với Deoca Group sẽ giúp các doanh nghiệp thép có cơ hội cung cấp sản phẩm cho các dự án lớn, đồng thời góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành xây dựng hạ tầng. Theo chương trình, đoàn công tác VSA đã đến tham quan và làm việc tại các Công ty Cổ Phần Mạ Kẽm Công Nghiệp VINGAL-VNSTEEL; Công Ty TNHH Gia Công Và Dịch Vụ Thép Sài Gòn, Công ty cổ phần Cơ khí Luyện kim – SADAKIM; Công ty Cổ phần Thép VICASA – VNSTEEL và Công ty Cổ phần  Thép Thủ Đức-Vnsteel.

Kết nối các doanh nghiệp thép Khu Công nghiệp Biên Hoà – Đồng Nai

Công ty Cổ Phần Mạ Kẽm Công Nghiệp VINGAL-VNSTEEL là một liên doanh giữa Tổng Công Ty Thép Việt Nam, Tập Đoàn Delta (Úc) và Công ty TNHH Thép Việt được thành lập năm 1995 đã tổ chức buổi trao đổi với Đoàn công tác VSA tại nhà máy.

Ông Nguyễn Huy Thọ – Tổng Giám đốc Công ty Cổ Phần Mạ Kẽm Công Nghiệp VINGAL-VNSTEEL (thứ 3 từ ngoài vào hàng bên trái) trao đổi với đại diện Tập đoàn Đèo Cả

Công ty Vingal với lợi thế kết hợp xưởng cán thép ống, gia công cơ khí và mạ kẽm nhúng nóng tại chổ cùng bể mạ có kích thước lớn nhất Việt Nam sẽ góp phần làm giảm giá thành tăng tính cạnh tranh của sản phẩm. Kết hợp giữa máy móc thiết bị hiện đại, công nghệ tiên tiến của Châu Âu và quá trình sản xuất tuân thủ nghiêm ngặt theo hệ thống kiểm soát chất lượng ISO 9001:2008 do tổ chức Intertek (Mỹ) chứng nhận, các sản phẩm và dịch vụ của Vingal luôn đáp ứng được những đòi hỏi khắt khe về chất lượng của các công trình trọng điểm quốc gia và xuất khẩu đến các nước tiên tiến trên thế giới như Nhật Bản, Mỹ, Canada, Hà Lan, Úc, và các quốc gia khác. (Thông tin chi tiết: https://vingal.com/)

Doanh nghiệp thép thứ hai trong chuyến công tác là Công Ty TNHH Gia Công Và Dịch Vụ Thép Sài Gòn (tên viết tắt: SGC) – công ty hàng đầu cung cấp các chủng loại thép khác nhau có chất lượng cao như thép cán nguội, cán nóng, mạ kẽm, mạ màu, thép silic và thép không gỉ, v.v…từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, v.v. Với các thiết bị mới và hiện đại của Nhật Bản, SGC có thể cung cấp sản phẩm và dịch vụ gia công cắt thép cuộn thành tấm và xẻ dọc theo kích thước mà quý khách hàng yêu cầu với độ chuẩn xác cao và giao hàng đúng hạn.

Ông Lê Ngọc Thăng – Tổng Giám đốc Công ty SGC (thứ tư từ trái sang) và Đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm trước khi vào tham quan nhà máy

SGC là trung tâm cắt cuộn (CoilCenter) hàng đầu ở Việt Nam với sự phát triển bền vững: https://saigonsteel-sgc.com.vn/. Một số hình ảnh khảo sát các sản phẩm tại nhà máy SGC.

Cán bộ kỹ thuật Công ty Thép SGC giới thiệu về quy trình vận hành của nhà máy

Sản phẩm của công ty SGC đã được tổ chức Quốc tế Bureau Veritas cấp giấy chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015 và hệ thống quản lý môi trường ISO 14001:2015 cùng với chính sách chất lượng “Thỏa mãn nhu cầu của khách hàng với chất lượng cao, giá cả hợp lý, giao hàng đúng hạn, không ngừng cải tiến và hoàn thiện hệ thống chất lượng”.

Ông Hồ Chung- Tập đoàn Đèo Cả và Tổng Giám đốc Lê Ngọc Thăng- SGC trao đổi về các sản phẩm thép của Công ty SGC

Công ty cổ phần Cơ khí Luyện kim – SADAKIM trước đây là nhà máy Cơ khí Luyện kim thuộc Công ty Thép Miền Nam, Tổng công ty Thép Việt Nam, là đơn vị chuyên ngành sản xuất sản phẩm đúc bằng gang thép, kim loại màu theo đúng tiêu chuẩn Việt Nam, tiêu chuẩn quốc tế, các sản phẩm sau gia công cơ khí, điện xỉ, rèn, nhiệt luyện và các sản phẩm kết cấu thép (thiết bị, cụm thiết bị) cung cấp cho ngành Cơ khí chế tạo, phụ tùng thay thế của thị trường trong nước, thay thế hàng nhập khẩu và xuất khẩu.

Ông Võ Thanh Tiến – Tổng Giám đốc Thép Sadakim giới thiệu về các sản phẩm thép chế tạo của Công ty.

Để góp phần cùng sự phát triển của ngành Cơ khí chế tạo Việt Nam và phục vụ khách hàng trong và ngoài nước ngày càng tốt hơn, công ty cổ phần Cơ khí Luyện kim luôn phấn đấu xây dựng đội ngũ có chuyên môn cao, áp dụng công nghệ tiên tiến, không ngừng nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm. Chi tiết các sản phẩm của nhà máy, vui lòng truy cập website: https://sadakim.vn/gioi-thieu-69.html

Công ty Cổ phần Thép VICASA – VNSTEEL: Nền tảng vững chắc từ lịch sử, không ngừng vươn tới tương lai. Được thành lập từ ngày 17/5/1967 với tiền thân là Xí nghiệp – Việt Nam Cán sắt Công ty (VICASA), Công ty Cổ phần Thép VICASA – VNSTEEL đã trải qua hơn nửa thế kỷ hình thành và phát triển. Với phương châm “không ngừng học hỏi, nghiên cứu cải tiến quy trình, công nghệ sản xuất”, VICASA – VNSTEEL luôn nỗ lực tạo ra những sản phẩm thép chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu đa dạng của mọi công trình. Thông tin truy cập website:https://vicasasteel.com/

Ông Ngô Tiến Thọ- Tổng Giám đốc Thép Vicasa- Vnsteel (thứ tư từ trái sang), Trưởng ban Môi trường của VSA, Hiệp hội Thép Đông Nam Á cùng các đại diện của VnSteel và các đối tác trong chương trình làm việc.
Ông Thọ (thứ 2 từ bên phải vào) và các cán bộ Thép Vicasa-Vnsteel giới thiệu với các thành viên đoàn vế nhà máy và các sản phẩm thép của Công ty

Công ty Cổ phần  Thép Thủ Đức-Vnsteel được hình thành từ những năm 1960 với tên ban đầu là Việt Nam Kim Khí Công Ty – VIKIMCO. Với bề dày lịch sử lâu đời, thương hiệu thép Vikimco đã đi sâu vào tâm trí của khách hàng tiêu dùng thép phía Nam, góp phần không nhỏ vào các công trình xây dựng, và hạ tầng giao thông trên khắp đất nước.

Dây chuyền luyện phôi của Nhà máy thép Thủ Đức- Vnsteel ngày 25/02/2025
Công trình giao thông của Tập đoàn Đèo Cả sử dụng sản phẩm thép chất lượng của Việt nam

Chương trình làm việc tại các nhà máy lần này cũng là cơ hội để VSA nắm bắt tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, lắng nghe những khó khăn và đề xuất của doanh nghiệp, từ đó có những giải pháp hỗ trợ kịp thời cộng đồng doanh nghiệp ngành thép.

Chuyến công tác của Ban Lãnh đạo VSA kết nối một sốdoanh nghiệp thép khu vực phía Nam với các đối tác xây dựng đã diễn ra thành công tốt đẹp. Các buổi làm việc đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần tăng cường sự kết nối giữa VSA với các doanh nghiệp thép và các đối tác trong ngành xây dựng hạ tầng./.

Theo vasa.com.vn

Bộ Công Thương áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời đối với một số sản phẩm thép cán nóng

Bộ Công Thương áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời đối với một số sản phẩm thép cán nóng có xuất xứ từ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.


Ngày 21 tháng 02 năm 2025, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 460 ⁄QĐ-BCT về việc áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời đối với một số sản phẩm thép cán nóng có xuất xứ từ Cộng hòa Ấn Độ (Ấn Độ) và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc). Theo đó, mức thuế chống bán phá giá tạm thời được áp dụng với hàng hóa bị điều tra từ Trung Quốc là từ 19,38% đến 27,83%.

Trong quá trình điều tra vụ việc, thực hiện theo quy định của Luật Quản lý ngoại thương, Bộ Công Thương đã phối hợp với các đơn vị liên quan xem xét và đánh giá kỹ lưỡng tác động của hành vi bán phá giá của hàng hóa nhập khẩu đối với hoạt động của ngành sản xuất trong nước, mức độ bán phá giá của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Ấn Độ và Trung Quốc.

Kết quả điều tra cho thấy, mặc dù có tồn tại hành vi bán phá giá nhưng do tỷ lệ nhập khẩu hàng hóa bị điều tra từ Ấn Độ ở mức không đáng kể (dưới 3%), vì vậy, theo quy định tại khoản 3 Điều 78 Luật Quản lý ngoại thương, hàng hóa bị điều tra từ Ấn Độ được loại khỏi phạm vi áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời.

Theo số liệu hải quan, lượng nhập khẩu thép cán nóng trong năm 2024 đã đạt 12,6 triệu tấn tăng hơn 33% so với năm 2023. Đặc biệt, sau khi Bộ Công Thương ra quyết định khởi xướng điều tra vụ việc này từ tháng 7 năm 2024, lượng nhập khẩu thép cán nóng từ Trung Quốc vẫn tiếp tục gia tăng một cách đáng kể. Do vậy, Bộ Công Thương đã xem xét áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời nhằm ngăn chặn lượng nhập khẩu thép cán nóng  gia tăng nhanh có thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước trong thời gian tới.

Theo quy định của Luật Quản lý ngoại thương, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục làm việc với các bên liên quan để thu thập, xác minh thông tin, tài liệu do các bên liên quan cung cấp và đưa ra kết luận cuối cùng trên cơ sở đánh giá tác động toàn diện của vụ việc.

Quyết định số 460/QĐ-BCT vui lòng tải tại đây